2022 – một năm nhiều dấu ấn với lĩnh vực khám phá vũ trụ

2022 - một năm nhiều dấu ấn với lĩnh vực khám phá vũ trụ
2022 - một năm nhiều dấu ấn với lĩnh vực khám phá vũ trụ
Video khám phá vũ trụ nasa

Hãy cùng nhìn lại những cột mốc mới mà ngành thiên văn học thế giới đã đạt được trong năm vừa qua.

NASA phóng thành công tên lửa thuộc sứ mệnh Artemis 1

2022 - một năm nhiều dấu ấn với lĩnh vực khám phá vũ trụ ảnh 1

Hệ thống SLS-Orion của NASA rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Ngày 16/11, siêu tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ), mang theo tàu vũ trụ Orion thực hiện chuyến bay quanh Mặt trăng và trở lại Trái đất trong vòng 3 tuần.

Vụ phóng diễn ra sau 2 lần bị trì hoãn do lỗi kỹ thuật (rò rỉ nhiên liệu) và thời tiết không thuận lợi (ngày 29/8 và 3/9), đánh dấu sứ mệnh đầu tiên (Artemis 1) trong chương trình Artemis đầy tham vọng của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng sau gần 50 năm.

Trên tàu Orion là một phi hành đoàn mô phỏng gồm 3 ma-nơ-canh (1 nam và 2 nữ) – được trang bị các cảm biến để đo mức bức xạ và những căng thẳng khác mà các phi hành gia sẽ phải trải qua trên thực tế.

Nếu thành công, sứ mệnh Artemis 1 sẽ mở đường cho chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của SLS-Orion (sứ mệnh Artemis 2), đưa các phi hành gia bay quanh Mặt trăng nhưng không đáp xuống bề mặt – dự kiến được thực hiện vào năm 2024.

Ngày 28/11 vừa qua, tàu Orion đã di chuyển tới quỹ đạo cách Trái đất 270 nghìn dặm, thiết lập kỷ lục mới về khoảng cách so với Trái đất của một tàu vũ trụ được chế tạo để mang theo phi hành đoàn. Kỷ lục trước đó thuộc về tàu Apollo 13 với khoảng cách 248.655 dặm.

Siêu kính viễn vọng James Webb với kỳ vọng vén bức màn bí ẩn về vũ trụ

2022 - một năm nhiều dấu ấn với lĩnh vực khám phá vũ trụ ảnh 2

“Vách đá vũ trụ” trong Tinh vân Carina được chụp bởi kính viễn vọng không gian James Webb. (Ảnh: Reuters)

Sau nhiều thập kỷ phát triển, thiết bị kế nhiệm kính thiên văn Hubble nổi tiếng của NASA cuối cùng đã được phóng lên quỹ đạo vào dịp lễ Giáng sinh năm 2021.

Năm nay, sau khi hoàn thành hành trình di chuyển 1,5 triệu km từ Trái đất và khởi động các thiết bị khoa học của mình, siêu kính viễn vọng James Webb đã bắt đầu truyền dữ liệu hình ảnh về vũ trụ theo cách chưa từng thấy trước đây.

Được chế tạo với chi phí khoảng 10 tỷ USD, James Webb có thể bắt được những hình ảnh hồng ngoại sâu nhất và sắc nét nhất từ trước đến nay, hoạt động giống như một “cỗ máy thời gian” đưa loài người “trở lại thủa sơ khai của vũ trụ”.

Kính viễn vọng không gian mới này đã cho thấy giá trị của mình bằng cách vén bức màn bí ẩn bao phủ các thiên hà nổi tiếng và quan sát xuyên qua các đám mây khí và bụi giữa các ngôi sao một cách chi tiết đáng kinh ngạc.

James Webb cũng được sử dụng để kiểm tra cấu trúc của bầu khí quyển trên các ngoại hành tinh. Hồi tháng 9 vừa qua, thiết bị này đã tiết lộ cấu hình phân tử và hóa học của một hành tinh quay quanh một ngôi sao cách Trái đất khoảng 700 năm ánh sáng.

Lần đầu tiên con người làm chệch quỹ đạo tiểu hành tinh

2022 - một năm nhiều dấu ấn với lĩnh vực khám phá vũ trụ ảnh 3

Hệ thống tiểu hành tinh đôi Dimorphos và Didymos. (Ảnh: Johns Hopkins APL/NASA/AP)

Hành động này có vẻ giống như cốt truyện của một bộ phim khoa học viễn tưởng, tuy nhiên đã thực sự xảy ra khi mới đây, các nhà khoa học của NASA đã phóng thành công một con tàu vũ trụ cách xa hàng triệu dặm từ Trái đất lao vào một tiểu hành tinh đang di chuyển trong không gian và làm chệch quỹ đạo bay của nó.

Mặc dù hệ thống tiểu hành tinh Didymos không có khả năng va chạm với hành tinh của chúng ta, song sứ mệnh DART của NASA được triển khai nhằm đánh giá xem liệu con người có thể ngăn chặn một vụ va chạm giữa tiểu hành tinh/thiên thạch với Trái đất bằng cách đẩy nó ra khỏi quỹ đạo bay hay không.

Cuộc thử nghiệm đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Vào ngày 26/9 vừa qua, tàu vũ trụ DART đã đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos với vận tốc 22.500 km/h, cách Trái đất khoảng 11,3 triệu km.

Các quan sát và tính toán sau đó xác nhận vụ va chạm đã thay đổi thành công quỹ đạo của Dimorphos dài 160m quay chung quanh một thiên thạch khác có tên Didymos lớn hơn nhiều.

Vụ va chạm đã khiến các mảnh vỡ bị hất văng ra ngoài không gian và tạo ra một vệt bụi giống như sao chổi kéo dài hàng nghìn km. Thành công của sứ mệnh DART mở ra một con đường mới trong hành trình bảo vệ Trái đất trước nguy cơ va chạm các tiểu hành tinh trong tương lai.

Trung Quốc hoàn thành xây dựng trạm vũ trụ

2022 - một năm nhiều dấu ấn với lĩnh vực khám phá vũ trụ ảnh 4

Hình ảnh chụp từ trạm Thiên Cung. (Nguồn: CMSA/CCTV)

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là tổ hợp công trình nghiên cứu không gian, hợp tác giữa 15 quốc gia, nhưng lại không có sự hiện diện của 2 siêu cường về du hành vũ trụ là Ấn Độ và Trung Quốc.

Giám đốc Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) K. Sivan cho biết, Ấn Độ sẽ không tham gia ISS vì cơ quan này dự định đưa một trạm vũ trụ nặng 20 tấn vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp trong tương lai.

Trong khi đó, Trung Quốc từng bày tỏ mong muốn tham gia ISS nhưng bị Mỹ từ chối. Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình. Ngày 31/10/2022, hợp phần thứ ba và cũng là cuối cùng của Trạm vũ trụ Tiangong (Thiên Cung) được phóng lên quỹ đạo và lắp ráp thành công.

Trạm vũ trụ Thiên Cung gồm 3 module: Tianhe (Thiên Hòa), Wentian (Vấn Thiên) và Mengtian (Mộng Thiên).

Thiên Hòa, module lõi của trạm, là mảnh ghép đầu tiên được phóng lên quỹ đạo hồi tháng 4/2021. Đây là module cung cấp lực đẩy chính, các hệ thống hỗ trợ sự sống và khoang sinh hoạt cho phi hành gia, cũng như cổng neo đậu của tàu vũ trụ và những module kế tiếp.

Module Vấn Thiên cung cấp bổ sung các điều khiển điều hướng, lực đẩy và định hướng để dự phòng cho module Thiên Hòa. Tuy nhiên, chức năng chính của module này là tạo môi trường áp suất để các nhà nghiên cứu tiến hành các thí nghiệm trong môi trường không trọng lực.

Mộng Thiên, module thứ ba và cũng là mảnh ghép cuối cùng, được thiết kế chủ yếu cho các thí nghiệm khoa học. Khi được phóng vào không gian, module này mang theo nhiều thí nghiệm khoa học tiên tiến, bao gồm một thiết bị tạo ra vật chất lạnh nhất trong vũ trụ.

Phát hiện tiểu hành tinh khổng lồ có thể đe dọa Trái đất

2022 - một năm nhiều dấu ấn với lĩnh vực khám phá vũ trụ ảnh 5

2022 AP7 được phát hiện trong vùng không gian giữa Trái đất và sao Kim – khu vực vốn nổi tiếng là nơi khó phát hiện các vật thể do ánh sáng chói từ Mặt trời. (Ảnh minh họa: NOIRLab/Space Engine)

Ngày 31/10, NOIRLab – một tổ chức thiên văn học quốc tế được Chính phủ Mỹ tài trợ – thông báo phát hiện một tiểu hành tinh khổng lồ có quỹ đạo đi qua quỹ đạo Trái đất.

Với đường kính khoảng từ 1,1 đến 2,3km, tiểu hành tinh 2022 AP7 là vật thể lớn nhất có thể gây nguy hiểm cho Trái đất từng được phát hiện trong 8 năm qua.

Tiểu hành tinh này được các nhà khoa học phát hiện trong vùng không gian giữa Trái đất và sao Kim – khu vực vốn nổi tiếng là nơi khó phát hiện các vật thể do ánh sáng chói từ Mặt trời.

Các nhà khoa học phát hiện ra 2022 AP7 cho biết, việc đi qua quỹ đạo của Trái đất khiến nó trở thành một tiểu hành tinh có nguy cơ tiềm tàng. Tuy nhiên, chưa phát hiện quỹ đạo khiến tiểu hành tinh này va chạm với Trái đất ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai gần.