Lăng mộ nhà Minh, còn được biết đến như “Minh Thập Tam Lăng” hay “Thập Tam Lăng” (十三陵), là nơi an táng 13 trong số 16 vị hoàng đế của triều đại nhà Minh, cùng với các hoàng hậu và phi tần của họ.
Thập Tam Lăng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2003. Vị trí và cấu trúc của các ngôi mộ là những ví dụ điển hình của thuyết phong thủy Trung Hoa.
Contents
Vài nét về Thập Tam Lăng
Tham quan Thập Tam Lăng sẽ mang lại cho du khách một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống trong triều đại nhà Minh (1368-1644), bao gồm ngai vàng bằng đá, tác phẩm điêu khắc người và động vật khổng lồ, cùng với các bằng chứng khác về văn hóa và truyền thống Trung Quốc.
Thập Tam Lăng nằm ở đâu?
Nhà Minh được thành lập ở Nam Kinh vào năm 1368. Năm 1406, kinh đô được dời từ Nam Kinh đến Bắc Kinh bởi hoàng đế thứ ba của nhà Minh là Chu Đệ (Minh Thành Tổ).
Lăng mộ đầu tiên (Lăng mộ Trường Lăng/长陵/Changling Tomb) được Chu Đệ xây dựng vào năm 1409. Vị trí lăng nằm cách thành phố Bắc Kinh 50km về phía Tây Bắc, dưới chân núi Tại Sa, với ý định tạo ra một không gian lớn để chôn cất các hoàng đế.
Để đến được lăng mộ này, từ trung tâm thành phố Bắc Kinh, du khách có thể chọn các loại xe buýt có tuyến đến ga Deshengmen (德胜门/Đức Thắng Môn), chuyển sang xe buýt số 872, rồi xuống ở ga cuối Minh Thập Tam Lăng (Ming Tombs) và đi bộ khoảng 15 phút. Nếu đi theo tour từ Việt Nam, du khách chỉ cần chọn tour có lịch trình tới Minh Thập Tam Lăng là được, những việc còn lại hướng dẫn viên và lái xe sẽ lo.
Vì sao lăng mộ này lại nằm xa trung tâm kinh đô như vậy? Thứ nhất, việc xây dựng lăng mộ cần một diện tích đất lớn trong khi quỹ đất trong kinh thành thì không đủ không gian đáp ứng. Người xưa cũng tin rằng lăng mộ là cung điện lớn của hoàng đế ở cõi bên kia, nên vị trí và việc xây dựng lăng mộ đã được quan tâm rất nhiều.
Thứ hai, Hoàng đế Chu Đệ rất tin vào phong thủy. Vì vậy, nơi xây lăng mộ phải được bao quanh bởi những ngọn núi ở ba phía, trong một thung lũng yên tĩnh, có sông chảy gần đó. Theo thuyết phong thủy, địa điểm của Thập Tam Lăng hài hòa với thiên nhiên, theo Đạo giáo về một cõi hoàn hảo của “Thiên nhiên và con người như một”.
Vé vào cửa và giờ mở cửa Thập Tam Lăng
Vé vào Thập Tam Lăng được bán từ lối vào bất cứ lúc nào cho đến khoảng 30 phút trước khi đóng cửa. Phí vào cửa và thời gian mở cửa cho mỗi trong số ba ngôi mộ mà du khách có thể tham quan khác nhau tùy theo mùa:
- Thần Lộ (Con đường linh thiêng):
Tháng 4 – Tháng 10: 30 tệ
Tháng 11 – Tháng 3: 20 tệ
Mở cửa từ 8:30 sáng đến 6 giờ chiều
- Trường Lăng (Chang Ling):
Tháng 4 – Tháng 10: 45 tệ
Tháng 11 – Tháng 3: 30 tệ
Mở cửa từ 8:30 sáng – 5:30 chiều
- Định Lăng (Ding Ling):
Tháng 4 – Tháng 10: 60 tệ
Tháng 11 – Tháng 3: 40 tệ
Mở cửa từ 8:30 sáng đến 6 giờ chiều
- Triệu Lăng (Zhao Ling):
Tháng 4 – Tháng 10: 30 tệ
Tháng 11 – Tháng 3: 20 tệ
Mở cửa từ 8:30 sáng – 5:30 chiều
Bố cục Thập Tam Lăng có gì đặc biệt?
Lăng mộ đầu tiên trong khu phức hợp là Trường Lăng (Chang Ling), tiếp theo là 12 lăng mộ nằm dọc hai bên Trường Lăng và con đường chính. Ngoại trừ Tư Lăng (Si Ling) ở góc tây nam, thứ tự các lăng mộ tính từ Trường Lăng đã được bảo tồn.
Những ngọn núi bao quanh lăng mộ trong một khu “sân” tự nhiên rộng lớn, với “cổng” chính là khoảng trống giữa hai ngọn núi. Tất cả các lăng mộ đều nằm trên một con đường chạy qua giữa toàn bộ khu vực được gọi là Thần Lộ (Con đường linh thiêng).
Mười ba lăng mộ trong Thập Tam Lăng của những ai?
Triều đại nhà Minh có 16 vị hoàng đế, trong đó 13 người được an táng trong Thập Tam Lăng. Riêng Chu Nguyên Chương – hoàng đế đầu tiên của nhà Minh – được chôn cất ở Nam Kinh, và hai người còn lại ở những địa điểm không xác định. 13 lăng mộ ở Thập Tam Lăng gồm có:
- Trường Lăng (Chang Ling) – lăng của Minh Thành Tổ / Chu Đệ – hoàng đế thứ 3 nhà Minh
- Hiến Lăng (Xian Ling) – lăng của Minh Nhân Tông / Chu Cao Sí – hoàng đế thứ 4
- Cảnh Lăng (Jing Ling)- lăng của Minh Tuyên Tông / Chu Chiêm Cơ – hoàng đế thứ 5
- Dụ Lăng (Yu Ling) – lăng của Minh Anh Tông / Chu Kỳ Trấn – hoàng đế thứ 6 và 8
- Mậu Lăng (Mao Ling) – lăng của Minh Hiến Tông / Chu Kiến Tuấn – hoàng đế thứ 9
- Thái Lăng (Tai Ling) – lăng của Minh Hiếu Tông / Chu Hựu Đường – hoàng đế thứ 10
- Khang Lăng (Kang Ling) – lăng của Minh Võ Tông / Chu Hậu Chiếu – hoàng đế thứ 11
- Vĩnh Lăng (Yong Ling) – lăng của Minh Thế Tông / Chu Hậu Thông – hoàng đế thứ 12
- Chiêu Lăng (Zhao Ling) – lăng của Minh Mục Tông / Chu Tái Kỵ – hoàng đế thứ 13
- Định Lăng (Ding Ling) – lăng của Minh Thần Tông / Chu Dực Quân – hoàng đế thứ 14
- Khánh Lăng (Qing Ling) – lăng của Minh Quang Tông / Chu Thường Lạc – hoàng đế thứ 15
- Đức Lăng (De Ling) – lăng của Minh Hi Tông / Chu Do Hiệu – hoàng đế thứ 16
- Tư Lăng (Si Ling) – lăng của Minh Tư Tông / Chu Do Kiểm – hoàng đế cuối cùng nhà Minh
Minh Thái Tổ – Hồng Vũ Đế / Chu Nguyên Chương – hoàng đế đầu tiên của nhà Minh, trị vì từ năm 1368 đến năm 1398. Ông là người lập ra nhà Minh và Nam Kinh được đặt làm kinh đô trong thời kỳ trị vì của ông. Ông được chôn cất tại Nam Kinh trong Hiếu Lăng.
Minh Huệ Đế – hoàng đế thứ hai của nhà Minh, trị vì từ năm 1398 đến năm 1402. Ông bị Chu Đệ lật đổ trong một cuộc tranh giành ngai vàng và sau đó mất tích.
Minh Đại Tông – hoàng đế thứ bảy của nhà Minh, trị vì từ năm 1449 đến năm 1457. Do tranh giành ngai vàng với anh trai mình là Chu Kỳ Trấn (Minh Anh Tông), ông bị từ chối được chôn cất tại khu Lăng mộ nhà Minh cùng với tiền nhân. Thay vào đó, ông được chôn cất xa khu vực đó trên những ngọn đồi phía tây Bắc Kinh.
Những lăng mộ nào trong Minh Thập Tam Lăng được mở?
Rất nhiều lăng mộ trong khu phức hợp này đã bị hư hỏng do thời gian. Hiện tại, để bảo vệ các di tích và sự an toàn của du khách, chỉ có một số lăng mộ đã được sửa chữa và mở cửa cho công chúng tham quan, bao gồm: Trường Lăng, Định Lăng và Chiêu Lăng.
Trường Lăng là lăng mộ duy nhất trong khu phức hợp đã được khai quật để nghiên cứu khoa học và đã tìm thấy hơn 3.000 di vật quý giá. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Hoàng đế nhà Minh thứ ba Chu Đệ và Hoàng hậu Nhân Hiếu Văn. Ông cai trị Trung Quốc từ năm 1402 đến năm 1422. Lăng Trường Lăng là lăng mộ lớn nhất trong số các lăng mộ nhà Minh. Trường Lăng là lăng mộ đầu tiên nằm ở phía Bắc và được xây dựng mô phỏng theo kết cấu của Tử Cấm Thành với những bức tường rực rỡ màu cam đỏ và mái ngói đỏ vàng tạo nên sự nguy nga và lộng lẫy cho Trường Lăng. Điểm nhấn của khu Trường Lăng là Lăng Ân Điện, được xem là một tuyệt tác kiến trúc của Thập Tam Lăng. Lăng Ân Điện được xây dựng để cảm tạ ơn đức và nhắc nhở vua chúa đời sau cần thường xuyên đến đây để cầu quốc thái dân an. Ngoài ra, Minh Lâu là nơi đặt bia mộ Chu Đệ và gò đất nằm ngầm dưới khu đất là nơi đặt mộ phần của vua Chu Đệ.
Định Lăng là lăng mộ duy nhất trong 13 lăng mộ mà các nhà khảo cổ đã tìm được đường vào bên trong. Du khách tới đây sẽ được theo chân hướng dẫn viên vào trong lăng mộ và khám phá địa cung bí ẩn dưới lòng đất. Bên trong lăng, bạn sẽ thấy 3 chiếc áo quan là nơi đặt thi hài của vua Chu Dực Quân và 2 vị hoàng hậu, xung quanh là 26 chiếc rương chứa đựng những món đồ trang sức quý hiếm. Tham quan lăng mộ bạn còn có dịp nghe kể những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của vua Chu Dực Quân cũng như những bí ẩn ở địa cung này.
Chiêu Lăng là lăng mộ của Hoàng đế thứ 13 nhà Minh Chu Tái Kỵ (Long Khánh Đế) và ba hoàng hậu, phi tần của ông. Các quan tài hoàng gia nằm trong một khu vực hình lưỡi liềm độc đáo. Điều làm nổi bật Chiêu Lăng là kiến trúc trên mặt đất được bảo tồn tốt nhất và một sân đặc biệt hình lưỡi liềm chứa quan tài hoàng gia.
Thần Lộ – Con đường linh thiêng
Cái tên “Con đường thiêng liêng” (Thần Lộ/神路/Shen Lu) có nghĩa đen là “con đường đi lên thiên đường”. Theo lịch sử Trung Quốc, hoàng đế là con trời, từ trên trời giáng xuống và sẽ trở về qua thần lộ sau khi chết.
Lối đi bộ này bắt đầu từ một cổng vòm tưởng niệm bằng đá và kết thúc ở cổng Trường Lăng. Du khách có thể đi bộ dọc theo Thần Lộ và khám phá nhiều khu vực khác nhau, bao gồm Đại Hồng Môn, Cổng vòm Tưởng niệm và Đài bia. Các điểm tham quan chính khác bao gồm Cổng Long Phụng và Cầu Năm Cổng. Các khu vực trên Thần Lộ, cùng với các tác phẩm điêu khắc bằng đá khổng lồ dọc theo con đường này, giúp du khách hiểu thêm về thời kỳ thịnh vượng của nhà Minh cũng như sự tôn kính của họ đối với phong thủy.
Trải qua dòng chảy của thời gian, Thập Tam Lăng vẫn giữ nguyên được sự cổ kính, uy nghiêm, linh thiêng và huyền bí. Nếu bạn là một người yêu thích lịch sử Trung Hoa, thì đây chắc chắn sẽ là điểm đến tuyệt vời trong chuyến đi của bạn.